Bối cảnh Biểu tình Thái Bình 1997

Trong thập niên 1960, kinh tế tỉnh Thái Bình phụ thuộc vào nông nghiệp, nông nghiệp chiếm trên 90% tổng giá trị sản lượng trong toàn tỉnh, hơn 90% dân số sống bằng nghề nông.[7] Năng suất lúa của Thái Bình năm 1965 đạt kỷ lục miền Bắc với sản lượng 6 tấn/ha. Tuy chỉ chiếm 5% diện tích canh tác ở miền Bắc nhưng Thái Bình đóng góp 12% lương thực cho Việt Nam trong giai đoạn 1965–1975.[8] Dân chủ ở nông thôn Việt Nam được thể hiện đặc trưng trong cấu trúc chính quyền địa phương và Hương ước, nông dân Việt Nam có xu hướng dựa vào Hương ước — luật do nông dân tự tạo ra — để đảm bảo lợi ích và quyền lợi của họ. Sau khi thống nhất đất nước năm 1975 đến năm 1980, nông dân Thái Bình làm việc trong hợp tác xã tập thể, kinh tế Thái Bình hoạt động theo hướng thời bao cấp. Năm 1981, chính phủ Việt Nam ban hành Chỉ thị 100/CP về thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, các quyết định do Đảng Cộng sản Việt Nam truyền đạt từ Trung ương xuống địa phương.[9] Trong thập niên 1990, Việt Nam là nước kém phát triển và người dân trong tình trạng nghèo đói kinh niên. Đổi Mới giúp tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình 8,2% giai đoạn 1991–1995 và 7,1% giai đoạn 1988–1997; tỷ lệ lạm phát giảm từ 67,1% năm 1991 xuống 12,7% năm 1995 và 5% năm 1996; tỷ lệ nghèo giảm từ 75% năm 1984 xuống 34,7% năm 1997.[10]

Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá VIII ban hành nghị quyết "Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tiếp tục xây dựng Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong sạch, vững mạnh", nhưng phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" tại Việt Nam chưa được thể chế hóa và chậm áp dụng thực tiễn.[1] Đầu giai đoạn Đổi Mới, Thái Bình thực hiện chương trình "điện, đường, trường, trạm, nước sạch và điện thoại" với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm".[11] Từ năm 1993, chính phủ Việt Nam công nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp của công dân.[12] Chính phủ Việt Nam không viện trợ kinh phí chương trình "điện, đường, trường, trạm, nước sạch và điện thoại" cho các địa phương tại Thái Bình, người dân mỗi đóng góp trực tiếp khoảng 1 tỷ đồng mỗi chương trình, nhưng thu nhập thực tế của người dân địa phương quá thấp so với mức đóng góp và thực trạng công chức tham nhũng hiện hữu.[5] Nhiều công chức Đảng Cộng sản Việt Nam tại An Đồng trong thập niên 1980 tham nhũng – lạm thu – biển thủ, nạn trộm cướp phổ biến tại địa phương, xử lý và kỷ luật 144 công chức sai phạm tính đến năm 1993.[13][14] Trong phong trào xây dựng "điện, đường, trường, trạm", người dân tại xã Thái Nguyên bị lạm thu so với mức thu nhập ít ỏi hiện tại và tập trung khiếu kiện nhiều năm nhằm yêu cầu "không ép buộc đóng góp".[5] Nông thôn Thái Bình bắt đầu bất ổn trong giai đoạn 1994–1997.[15] Giai đoạn 1991–1996, Thái Bình xây dựng được 4.408 km đường, trong đó có 2.841 km đường nhựa; tạo dựng 3.712 km đường dây điện, xây mới trường học địa phương lên tới 90%.[16] Giai đoạn 1995–1996, người dân Thái Bình khiếu kiện nhưng chính quyền địa phương phớt lờ; nội dung khiếu kiện xoay quanh về vi phạm dân chủ, phân chia ruộng đất, thu chi ngân sách xã, thanh toán chi phí xây dựng công cộng.[17]

Bão nhiệt đới Linda đổ bộ vào vùng Nam Bộ năm 1997 và gây thiệt hại ước tính khoảng 15.000 tỷ đồng, Tỉnh ủy Thái Bình vào năm 1996 được coi là điển hình trong xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam.[18] Cùng năm 1997, nông dân xã Quỳnh Hoa điều kiện cuộc sống khó khăn và việc đóng góp kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng quá sức, quy trình quản lý tài chính – ngân sách địa phương thiếu dân chủ và một số công chức bộc lộ sai phạm.[19] Từ cuối năm 1996 đến năm 1997, nông dân Thái Bình đã khiếu kiện về những vi phạm dân chủcông bằng xã hội tại năm trong số bảy huyện thuộc tỉnh. Người dân đệ trình khiếu kiện tới xã – huyện – tỉnh với quy mô từ vài chục đến vài trăm, có thời điểm lên tới 1.500 người. Biểu tình diễu hành đến trụ sở các cơ quan hành chính tỉnh Thái Bình được tổ chức kỷ luật và trật tự với số lượng khoảng 40 lần.[20] Giai đoạn 1987–1997, Thái Bình có trên 300 vụ khiếu nại về đất đai, tố cáo công chức xã lạm quyền và tham nhũng.[21] Chỉ tính riêng xã Quỳnh Hội trong hai tháng cuối năm 1996, hàng trăm người dân xã này đã nhiều lần khiếu kiện lên Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình về những cáo buộc sai phạm đất đai – tham nhũng tại huyện Quỳnh Phụ. Ngày 5 tháng 12 năm 1996, Ủy ban nhân dân huyện Quỳnh Phụ công bố phát hiện sai phạm biển thủ 90,6 triệu đồng, chi tiêu công sai quy định 48,275 triệu đồng. Chi nhánh điện Quỳnh Phụ chủ động làm mất điện vào ngày 26 tháng 12 năm 1996 do Ủy ban nhân dân xã Quỳnh Hội nợ hóa đơn 3,8 triệu đồng, hàng nghìn người dân trong xã kéo đến đập phá tư gia chủ tịch xã này với thiệt hại ước tính ba triệu đồng. Một số người dân sau đó bị khởi tố vào ngày 26 tháng 12 cùng năm do "gây rối trật tự công cộng", ba công chức xã này bị khởi tố với tội danh "tham ô, cố ý làm trái, gây thiệt hại tài sản xã hội chủ nghĩa".[22] Giai đoạn này xuất hiện nhiều khiếu kiện về đất đai tại Thanh Hóa, Nam Định, Hải Dương, Hà Tây, Đồng Nai, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Bến Tre, Vĩnh Long, Hải Phòng, Hà Nội; nhưng quy mô và mức độ khiếu kiện tại Thái Bình diễn ra phức tạp hơn.[18] Một số cuộc biểu tình được cho là đã nổ ra tại Thanh Hóa, Nghệ An, Hưng Yên vào tháng 5 hoặc tháng 6 năm 1997.[23]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Biểu tình Thái Bình 1997 http://101.53.8.174/hcmulaw/index.php?option=com_c... http://press-files.anu.edu.au/downloads/press/p266... //www.amazon.com/dp/1857431332 http://id.nii.ac.jp/1130/00002906/ http://tuanvietnam.net/2012-02-02-gs-nguyen-minh-t... //dx.doi.org/10.1177%2F186810341603500202 //dx.doi.org/10.14264%2Fuql.2015.392 //dx.doi.org/10.22004%2Fag.econ.23788 //dx.doi.org/10.22459%2FLCFPA.01.2014.15 //tools.wmflabs.org/geohack/geohack.php?language=v...